Các bệnh lý khớp vai thường gặp

Khớp vai là một khớp bao gồm nhiều khớp hợp lại. Sự kết hợp của gân cơ và hình dáng khớp vai giúp cánh tay có biên độ vận động rộng từ trước ra sau. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà khớp vai dễ bị chấn thương hoặc mắc các bệnh lý khớp vai như viêm đau, cứng khớp, dính khớp bả vai,…

1. Giải phẫu khớp vai

Khớp vai gồm 3 xương tham gia: chỏm xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn. Các xương này kết hợp lại với nhau bằng các mô mềm như dây chằng, gân, cơ và bao khớp tạo thành một khối cho vai làm hoạt động. Khớp vai là một khớp lồi cầu – ổ chảo, chỏm xương cánh tay gắn vào ổ chảo xương bả vai nhờ chóp xoay và bao khớp. Chóp xoay gồm 3 cơ ( cơ trên gai, cơ dưới gai , cơ tròn bé), kết hợp với nhau thành một giải cân bao quanh bám tận vào mấu động lớn xương cánh tay. Chóp xoay có chức năng nâng cánh tay và xoay cánh tay ra ngoài.

Có một bao gọi là túi hoạt mạc lót giữa chóp xoay và phần dưới của mỏm cùng vai. Túi hoạt mạc này giúp chóp xoay không bị va chạm vào mỏm cùng vai khi vận động cánh tay. Khi chóp xoay bị rách hoặc chấn thương, túi hoạt mạc có thể bị viêm gây nên viêm khớp vai hoặc đau.

2. Các bệnh lý khớp vai thường gặp

2.1 Đau khớp vai

Sự kết hợp của gân cơ và hình dáng khớp vai cho phép cánh tay có biên độ vận động rộng. Sự chuyển động này khiến khớp vai dễ gặp các vấn đề như mất vững, chèn ép của các mô mềm hay cấu trúc xương của vai, gây đau khớp vai. Người bệnh có thể bị đau khi vận động tay, đau liên tục, tạm thời hoặc kéo dài.

Tình trạng đau khớp vai chủ yếu do những nguyên nhân như: viêm bao hoạt mạc, viêm gân (gân hoặc bao khớp) hoặc rách gân, hội chứng bắt chẹn vai, mất vững khớp vai, gãy xương (thường bao gồm xương đòn, xương cánh tay và xương bả vai), thoái hóa khớp vai, viêm khớp vai, u bướu, nhiễm trùng, tổn thương thần kinh,…

Thăm khám đau khớp vai chủ yếu dựa vào đánh giá bệnh sử, khám lâm sàng và thực hiện một số phương pháp chẩn đoán khác như chụp X-quang, cộng hưởng từ và siêu âm, chụp CT, đo điện cơ, chụp X-quang có cản quang, nội soi khớp.

Điều trị đau khớp vai:

  • Nghỉ ngơi, thay đổi hoạt động hằng ngày, tập vật lý trị liệu giúp khớp vai mềm dẻo và nâng sức cơ.
  • Dùng thuốc giảm viêm, chống đau theo chỉ định của bác sĩ.
  • Phẫu thuật: thường được chỉ định trong điều trị phục hồi trật khớp vai, rách chóp xoay,… Phẫu thuật nội soi khớp vai được sử dụng để loại bỏ sẹo mô hoặc điều trị mô bị rách. Phẫu thuật hở giúp phục hồi những tổn thương rộng, nặng nề như rách gân cơ rộng, gãy xương hoặc thay khớp vai.

2.2 Cứng khớp vai

Cứng khớp vai (đặc trưng bởi tình trạng dính của bao khớp) là nguyên nhân gây đau và cứng trong khớp, càng ngày khớp càng trở nên khó vận động. Cứng khớp vai chiếm khoảng 2% các tổn thương ở vai, thường gặp ở nữ giới và chủ yếu ở người trong nhóm tuổi 40 – 60.

Trong bệnh lý cứng khớp vai, bao khớp dày lên và cứng chắc, cứng các dải mô quanh khớp và giảm dịch khớp. Biểu hiện của cứng khớp vai là không thể vận động khớp vai ngay cả khi có sự trợ giúp của người khác. Có 3 giai đoạn cứng khớp vai là:

  • Giai đoạn đông lạnh: vai bị đau, ngày càng tăng nặng, mất biên độ vận động, kéo dài trong khoảng 6 – 9 tháng.
  • Giai đoạn đông cứng: triệu chứng đau giảm dần nhưng khớp vai vẫn cứng, kéo dài trong khoảng 4 – 6 tháng, bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động hằng ngày.
  • Giai đoạn rã đông: vận động khớp vai cải thiện từ từ, trở lại hoạt động bình thường trong vòng 6 tháng – 2 năm.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ cứng khớp vai là: tiểu đường, mắc bệnh nhược giáp, cường giáp, bệnh tim mạch, bệnh Parkinson. Bên cạnh đó, tình trạng cứng khớp vai cũng có thể do các nguyên nhân như: di chứng sau phẫu thuật khớp vai hoặc bị chấn thương. Để chẩn đoán cứng khớp vai, bác sĩ thường khám lâm sàng cho bệnh nhân, kết hợp với những phương tiện khác như chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ và siêu âm.

Điều trị cứng khớp vai:

  • Điều trị không phẫu thuật: hơn 90% bệnh nhân cứng khớp vai có tiến triển tốt khi áp dụng phương pháp giảm đau đơn giản và phục hồi biên độ vận động. Bệnh nhân có thể được kê thuốc kháng viêm non-steroid (Aspirin và Ibuprofen giúp giảm đau, giảm sưng nề) và thuốc Corticoid tiêm trực tiếp vào khớp vai. Bên cạnh đó, người bệnh cứng khớp vai cũng được hướng dẫn tập vật lý trị liệu gồm căng giãn, tăng biên độ vận động khớp vai.
  • Điều trị phẫu thuật: khi vật lý trị liệu không hiệu quả, bệnh nhân cứng khớp vai có thể được chỉ định phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật bao gồm nắn bẻ vai có gây mê và nội soi khớp vai cắt bao khớp tại những vị trí gây cứng.

2.3 Chấn thương vùng vai

Chấn thương vùng vai là loại tổn thương khá thường gặp. Có nhiều loại chấn thương vùng vai như:

  • Gãy xương: thường gặp nhất là gãy xương đòn, đầu trên xương cánh tay và xương bả vai. Gãy xương đòn có biểu hiện sưng vùng giữa xương đòn, có tiếng lạo xạo xương hoặc có sự trồi lên của đầu xương ở dưới da, hạn chế biên độ vận động khớp. Người bị gãy đầu trên xương cánh tay có triệu chứng sưng, đau chói và hạn chế vận động vùng vai. Bệnh nhân bị gãy xương bả vai thường bị đau, sưng nề và bầm tím nặng vùng bả vai.
  • Trật khớp: là tình trạng 2 mặt khớp không trượt được với nhau. Chấn thương khớp vai do trật khớp thường liên quan tới 1 trong 3 khớp: trật khớp cùng đòn, trật khớp ức đòn và trật khớp ổ chảo cánh tay. Người bị trật khớp cùng đòn có biểu hiện đau bên ngoài vai, có khối nhô lên hay lạo xạo phần bên ngoài vai. Bệnh nhân trật khớp vai có triệu chứng không thể vận động vai, bàn tay xoay ngoài, cánh tay bất lực, không nhấc lên được.
  • Tổn thương phần mềm: rách dây chằng, gân, cơ, bao khớp, rách chóp xoay, rách sụn viền.

Hầu hết các trường hợp chấn thương vùng vai đều được chẩn đoán bằng X-quang và thăm khám. Đôi khi, một số xét nghiệm hình ảnh khác như chụp CT, MRI,… cũng được sử dụng.

Các phương pháp điều trị chấn thương vùng vai:

  • Gãy xương đòn: phần lớn các trường hợp không cần phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật cố định xương bằng nẹp vít hoặc đóng đinh nội tủy thường chỉ được áp dụng khi gãy di lệch nhiều, xương chồi dưới da thủng hoặc dạ đâm thủng da.
  • Gãy đầu trên xương cánh tay: phần lớn các trường hợp không cần phẫu thuật. Chỉ khi xương bị di lệch nhiều thì mới được chỉ định phẫu thuật nắn chỉnh và cố định xương bằng nẹp vít, đinh hoặc thay khớp tùy từng loại gãy.
  • Gãy xương bả vai: thường được điều trị bằng cách nẹp, đeo đai vải bất động khớp vai, chườm lạnh, giảm đau,… Khoảng 10 – 20% trường hợp gãy xương bả vai như gãy xương phạm mặt khớp, gãy xương kèm gãy xương đòn,… cần được phẫu thuật.
  • Trật khớp cùng đòn: việc điều trị phụ thuộc vào mức độ tổn thương, hướng trật và nhu cầu sinh hoạt của bệnh nhân. Phần lớn các trường hợp trật khớp cùng đòn được điều trị bảo tồn. Những trường hợp trật khớp lên trên, xuống dưới hoặc ra sau sẽ được chỉ định phẫu thuật.
  • Trật khớp vai: điều trị ban đầu là nắn khớp vai bị trật về vị trí ban đầu (bệnh nhân thường được cho dùng thuốc giảm đau và an thần nhẹ bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch), kiểm tra kết quả bằng X-quang và được cố định bằng nẹp hoặc đai ôm vai đặc biệt.